Featured Song Article TEMPLATE no 1
Text here in length
next paragraph of text
UPLOAD SONG SHORT CLIP OR FULL SONG FILE?
Text here in length
next paragraph of text
UPLOAD SONG SHORT CLIP OR FULL SONG FILE?
“Trong phần viết này, tôi đã chọn tấm hình NS PDC trên sân khấu của phòng trà Đêm Màu Hồng vào những thập niên 60 tại Sàigòn. Lúc đó phòng trà Đêm Màu Hồng do ông sáng lập và điều hành, đã trở nên một nơi hội tụ các văn nghệ sĩ hàng đầu của Sàigòn lúc bấy giờ. Quan khách ngoài giới này ra đều là những vị khách lịch lãm đã yêu mến ban hợp ca Thăng Long, tiếng hát của Thái Thanh, Hoài Trung và Hoài Bắc (tức là PDC). Chúng ta hãy coi tấm hình để mường tượng cảnh một đêm vào năm 1969, ông đã đứng ra sân khấu, ly rượu cognac trong tay, hướng về các thân hữu phía dưới và giới thiệu ca khúc Đôi Mắt Người Sơn Tây vừa được ông viết xong hôm đó. Và sau đêm đó, qua phần trình bày của tiếng hát Thái Thanh thì ca khúc được thâu vào băng nhạc. Giới yêu nhạc PDC từ đó yêu thích bài này và DMNST đã đương nhiên trở thành một ca khúc “signature song” của PDC.
Đã có nhiều bài viết về tài phổ thơ vào nhạc của NS PDC, trong đó các sáng tác của ông dược nhắc tới như những ca khúc thơ phổ nhạc thành công nhất – ngoài ca khúc Mộng Dưới Hoa (phổ thơ Đinh Hùng) thì không thể không nhắc tới ca khúc bất hủ Đôi Mắt Người Sơn Tây (phổ từ hai bài thơ Đôi Bờ và Đôi Mắt Người Sơn Tây của thi sĩ Quang Dũng).
Trong cuốn sách nhạc mà tôi thực hiện lúc hai cha con vừa được đoàn tụ lại sau 1979 tại Cali thì ông có viết một lời ghi chú ngắn như sau: ” “Nhớ quê ngoại, những năm kháng chiến chống Pháp, nhớ Quang Dũng. Ca khúc được viết năm 1969 tại căn gác nhỏ đường Ngô Tùng Châu, Sàigòn.”
Vào năm 1979, ông vượt biên được bằng đường biển và sang tỵ nạn tại Cali (tức là khoảng chừng 15 năm sau). Trong một buổi trưa tại căn nhà trên đường 22nd, Westminster, ông có nói về ca khúc này với tôi vỏn vẹn với một câu thật ngắn nhưng hàm súc tất cả tinh thần của bài hát cũng như ý nhạc của ông. “…Hát bài này phải được hát với một nỗi buồn “sắc máu”. Tôi muốn ghi lại lời nói đó tại đây để gửi gấm tại với những ai muốn và sẽ hát lên ca khúc này, nhất là những ca sĩ chuyên nghiệp hâu sinh. Hay hay dở là ở chỗ có nói lên được “nỗi buồn man mác nhưng đầy tính chất “sắc máu” của thời điểm lúc bài thơ được thi sĩ Quang Dũng viết nên.
Một điểm quan trong khác là ca khúc DMNST được tác giả viết với đoạn cuối gồm 4 câu thơ “…Bao giờ ta gặp em lần nữa, ngày ấy thanh bình chắc nở hoa, đã hết sắc mùa chinh chiến cũ, còn có bao giờ em nhớ ta..” Bốn câu thơ này gói ghém tất cả tâm sự của thi sĩ và nhạc sĩ là một phần của sáng tác. NS PDC thêm 4 câu thơ mà ông muốn đọc lên trước khi hát câu chấm dứt. (coi video Quỳnh Giao bình luận dưới đây)
Trong các phần thâu thanh từ trước tới nay, lần nào người thực hiện cũng đều bỏ hẳn 4 câu thơ đó và đi luôn xuống câu kết là “… Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi mắt người Sơn Tây, buồn viễn xứ khôn khuây….(ngân và hết). Có thể ai cũng cho là 4 câu thơ đọc lên đó quá khó, hay có tính cách bắt chước cách lối tác giả trình bày v.v.. Tuy nhiên theo thiển ý của tôi thì bỏ qua 4 câu thơ này là một việc thiếu trang trọng với chính tác giả và tự bỏ hẳn đi cho mình cái đoạn mà tôi gọi là “trượng phu…lẫm liệt và hay nhất” của bài thơ phổ nhạc thần tình này.
Tôi vui mừng có được một mẫu Youtube video về ca khúc này do chính tác giả trình bày trong một buổi ra mắt tập sách vào năm 1982 tại quận Cam. Nếu chúng ta coi thì sẽ thấm hiểu được câu nói này của ông. Điều đáng kể thêm là tiếng hát của ông thì rất ít người biết tới. Tiếng hát, vì khả năng và tài nhạc của chính mình, đã được ông dùng cho các phần hát bè của ban hợp ca Thăng Long thủa ấy. Do đó ít khi ông hát đơn ca và rất đặc biệt của ông đã không được biết đến là vậy. Khi còn sinh tiền, nhà văn Mai Thảo có viết về tiếng hát của Hoài Bắc Phạm Đình Chương mà ông gọi là giọng hát nam hay nhất. (quote)
Theo tôi, tiếng hát của nhạc sĩ Phạm Đình Chương – nghệ danh là Hoài Bắc trong ban hợp ca Thăng Long – là một giọng hát nam hiếm quý. Giọng hát Tenor của tác giả không trầm ấm nhưng phải công nhận là súc tích đầy tâm sự, chứa chan tình cảm qua từng chữ từng câu ông hát lên, từn câu ngâm, tiếng hát.
Trong đầu thập niên 80, cha con chúng tôi có thực hiện cuốn băng nhạc đầu tiên – cũng mang tựa đề là “Đôi Mắt Người Sơn Tây” (Mộng Dưới Hoa Productions – 1980) và trong đó ông có thâu thanh ca khúc ông rất yêu này.
Sau hơn bốn mươi năm sau khi ông qua đời, tôi đã có cái may mắn thực hiện được bộ đĩa PDC-Tình Khúc Tiêu Biểu và ca khúc này đã được hoàn chỉnh lại về phần nhạc nền và tiêu chuẩn audio tuyệt vời của những năm 2012. Nay ca khúc này đã trở thành một ca khúc để đời duy nhất do chính tác giả trình bày đơn ca . Khi quý vị vào trang phamdinhchuong.com thì câu hát đầu tiên được trổi lên tại trang nhà là bài DMNST trong đĩa nhạc Vol 4 – nhan đề Đêm, nhớ trăng Sàigòn- 2013, trong đó DMNST là một trong 13 ca khúc thơ phổ nhạc mang tên PDC do con trai ông thực hiện.
P.T.
Lời giới thiệu của Phạm Thành:
“Trong số những ca nhạc sĩ quen biết đã rất lâu với nhạc sĩ PDC và gia đình chúng tôi thì có hai vợ chồng ca nhạc sĩ Minh Trang và Dương Thiệu Tước. Trong giới ca nhạc sĩ của Viêt Nam trong thời kỳ phôi thai của thập niên 50 lúc đó là như vậy. Họ quen nhau cả và thường hay gặp gỡ nhau thường xuyên trên đài phát thanh Sàigòn. Nữ ca sĩ Minh Trang có một người con gái lớn là chị Quỳnh Giao. Lúc còn trẻ, chị được huấn luyện tại trường Quốc Gia Âm Nhạc (Sàigòn) về Piano, nên phải kể là có chuyên môn về ngành nhạc.
Sau 1979. khi NH PDC sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ thì cô được ông kêu về cộng tác trong những chương trình lưu diễn “Phạm Đình Chương, bốn mươi năm âm nhạc” khắp nơi. Trong những chương trình này thì cô thường hay hát đơn ca, tam ca hay hợp ca với Mai Hương và Kim Tước, hay cùng tất cả trình bày những ca khúc hợp ca như Hội Trùng Dương trong các tiết mục cuối chương trình.
Trong cuối thập niên 1990 trở đi thì chị trở lại việc dạy Piano và ngoài ra, còn viết các bài bình luận về Văn Học Nghệ Thuật Việt cho các tờ báo và chương trình truyền hình của Người Việt. Chị có một buổi thâu hình trong chương trình “Câu Chuyện Văn Nghệ Với Quỳnh Giao” do Nam Phương phỏng vấn trên Người-Việt TV nói về nhạc sĩ Phạm đình Chương và tác phẩm tiêu biểu của ông phổ từ thơ Quang Dũng, đó là ca khúc danh tiếng “Đôi Mắt Người Sơn Tây”.
Tôi muốn giới thiệu cùng quý đọc giả video clip này. Rấy hay, sâu sắc với những nhận định đặc biệt của một nhạc sĩ có trình độ thẩm âm cao. Hy vọng quý vị sẽ cho là ” hay”. P.T.
Lời giới thiệu của Phạm Thành:
“Trân trọng giới thiệu cùng quý đọc giả, hình của nhạc sĩ PDC lúc ông ở tuổi ngoài 20, tức là trong thập niên ông đã viết ca khúc để đời “Ly Rượu Mừng” tại Sàigòn vào năm 1953. Ly Rượu Mừng là một ca khúc được sáng tác để đăng trên số báo Tết, Báo Đời Mới, của cụ Trần Văn Ân và nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh là hai người chủ trương tờ báo này. Sau đây là bài viết của cố thi sĩ Du Tử Lê về ca khúc bất hủ này.”
“Một cầu nguyện đời kiếp của dân tộc ta. Như sự hiện diện bất biến của tác giả ca khúc vậy.”
….“Nhưng nếu phải tìm một xuân-khúc đại diện cho mọi tầng lớp của xã hội việt Nam, đồng thời phản ảnh tâm cảnh của mọi lứa tuổi thì, ứng hợp nhất với đòi hỏi này, theo tôi, là xuân-khúc “Ly rượu mừng” của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Tôi vẫn nghĩ chẳng phải ngẫu nhiên mà “Ly rượu mừng” không những đã trở thành “ly rượu” không thể thiếu trong mùa xuân của người Việt Nam mà, “ly rượu” ấy còn được nâng cao trong những họp mặt, lễ lạc ở bất cứ thời điểm nào của một năm. Nếu ta nhìn mỗi hội ngộ tự thân cũng là một mùa xuân tinh thần, ấm áp.
Tôi muốn gọi “Ly rượu mừng” là xuân-khúc “kinh điển” nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất “kinh điển” hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình.
Thực vậy, ngay phần mở đầu của ca khúc, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã chọn ba thành phần nồng cốt là: Nông phu, thương gia, công nhân để gửi lời chúc mừng tới họ:
“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi / Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi / Người thương gia lợi tức / Người công nhân ấm no / Thoát ly đời gian lao nghèo khó //
Á a a a / Nhấp chén đầy vơi / Chúc người người vui / Á a a a / Muôn lòng xao xuyến duyên đời…”
Tầng lớp nông dân kể trên vốn không được coi trọng lắm, theo quan niệm cổ xưa, căn cứ vào khẩu truyền của dân gian: “Sĩ, nông, công, thương, binh.”
Nhưng khi phải đối đầu với thực tế, cũng chính dân gian đã “sửa sai” bằng khẩu truyền: “Nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ!”
Lại nữa, xã hội Việt Nam vốn là xã hội nông nghiệp, nên sự trả lại vị trí hàng đầu cho nông dân của họ Phạm là một trả lại hợp lý, xứng đáng.
Cũng vậy, tầng lớp binh sĩ, theo sắp xếp có tính cách biểu kiến, hời hợt thuở trước, vốn đứng hạng chót trong nấc thang gia trị xã hội – – Nhưng, với “Ly rượu mừng,” tác giả đã dành nguyên khổ thứ 2 của ca khúc, để chúc mừng họ, những người hy sinh mạng sống của mình cho ấm no, giầu có của dân tộc:
“Rót thêm tràn đầy chén quan san / Chúc người binh sĩ lên đàng / Chiến đấu công thành /
Sáng cuộc đời lành / Mừng người vì Nước quên thân mình…”
Khi đề cập tới những hy sinh của người lính, họ Phạm cũng không quên những hy sinh thầm lặng, nhưng lớn lao không kém của những bà mẹ:
“Kìa nơi xa xa có bà mẹ già / Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa / Chúc bà một sớm quê hương / Bước con về hòa nỗi yêu thương / Á a a a / Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính / Á a a a / Chúc mẹ hiền dứt u tình…”
Kế tiếp, tác giả mới đề cập tới những đóng góp khác:
“Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương / Xây tổ ấm trên cành yêu đương / Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ / Tiếng thi ca nét chấm phá tô thêm đời mới…”
Cuối cùng là chung khúc rực rỡ hy vọng, tin yêu nơi tương lai đất nước:
“Bạn hỡi, vang lên / Lời ước thiêng liêng / Chúc non sông hoà bình, hoà bình / Ngày máu xương thôi tuôn rơi / Ngày ấy quê hương yên vui / đợi anh về trong chén tình đầy vơi //
Nhấc cao ly này / Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do / Nước non thanh bình / Muôn người hạnh phúc chan hoà // Ước mơ hạnh phúc nơi nơi / Hương thanh bình dâng phơi phới.”
Và, mỗi khi cùng nhau nâng “Ly rượu mừng” dù ở thời điểm nào của vòng quay trái đất, cũng chính là lúc chúng ta cùng với tác giả, hân hoan cầu chúc “…Nước non thanh bình / Muôn người hạnh phúc chan hoà…”
Tôi nghĩ, đó là một cầu nguyện đời kiếp của dân tộc ta. Như sự hiện diện bất biến của tác giả ca khúc vậy.”
Trích từ bài viết của thi sĩ Du Tử Lê (Feb. 2013) – Dutule.com
Lời giới thiệu của Phạm Thành:
” Tôi rất vui sướng được nói tới công trình thực hiện bộ đĩa Box Set PDC-Tình Khúc Tiêu Biểu, trong đó tôi đã chọn Hội Trùng Dương là chủ đề cho CD Vol 3 vào năm 2012-2013. Trên 20 năm trước đó, bản trường ca này được cố nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi viết hoà âm phần hợp xướng làm quà tặng cho gia đình tôi sau khi thân phụ tôi qua đời. Ôm ấp mãi ý định thực hiện trên hơn 20 năm, vào năm 2012, tôi giao phó trọng trách này cho nhạc sĩ Quang Phúc (VN) thực hiện và đảm trách phần viết hoà âm cho phần nhạc nền. Cuối cùng thì phần hát (Nghiêm Phú Phi soạn) đã được thâu vào đĩa nhạc và kết quả hết sức mỹ mãn. Sau đây là một phần ngắn trong Tiếng Sông Hương – Hoà âm hợp xướng Nghiêm Phú Phi, hoà âm nhạc nền và thực hiện Quang Phúc. Vol 3 trong bộ đĩa PDC-Tình Khúc Tiêu Biểu-2012.
Điều đáng nói nhất, ngoài sự thành công về trường ca Hội Trùng Dương này về tài nhạc của ông là việc trường ca HTD đã được viết vào lúc ông còn rất trẻ – năm đó là 1954 lúc tác giả vào tuổi 25. Một công trình ông đã ôm ấp và sáng tác trong suốt 3 năm trời trước đó…
Sau đây, xin giới thiệu cùng quý đọc giả bài bình luận thật sâu sắc, tuyệt vời của nhà văn Phạm Văn Kỳ Thanh về trường ca HTD, được viết và đăng trên tạp chí Nhân Văn năm 1984. Năm đó, nhạc sĩ PDC đã sang định cư tại miền Nam Cali, Hoa Kỳ. Thiết nghĩ chắc ông cũng đã đọc bài viết sau đây …”
“Hội Trùng Dương” gần như là trường ca duy nhất Phạm Đình Chương giới thiệu với quần chúng trong suốt sự nghiệp của ông. Trường ca sử dụng hình thức khuôn khổ Tây Phương để chuyên chở một nội dung dân ca Việt Nam.
Về bố cục, trường ca Hội Trùng Dương gồm một đoạn mở đầu và ba phiên khúc. Mỗi phiên khúc là tiếng nói của một dòng sông tiêu biểu cho mỗi miền. Miền Bắc có sông Hồng Hà đại diện, vào đến miền Trung có Sông Hương lên tiếng, xuôi miền Nam có Sông Cửu Long góp mặt. Tiếng nói của ba dòng sông đều được biểu tượng hóa bằng nỗi lòng của ba thiếu nữ. Tâm sự của mỗi dòng sông cũng là tâm sự của người dân địa phương về dân sinh, về nỗi khó khăn trong sự khuất phục với thiên nhiên, về sự can trường tranh đấu với nạn ngoại xâm.
Phần mở đầu của trường ca HTD hay lời Biển:
Trùng dương! Chốn đây ngàn phương
Có ba dòng sông cuốn xuôi biển Đông nhắc câu chờ mong.
Về khơi, sóng muôn triền tới. Nước non buồn vui đây hội trùng dương đầy vơi.
Sóng muôn triền tới, sóng xô về khơi như muôn tình mới vươn sức người bừng giữa đời…
Tiếng Sông Hồng
Chiều nay nước xuôi dòng đại dương. Có em tên sông Hồng dâng sóng tuôn trên nguồn. Vẩn vơ nắng quái vương trên phù sa có những cô thôn mờ xa đón bầy dân đánh cá. Về đây trai gái sống vui một miền quanh năm anh cuốc em liềm vun xới ruộng mùa lúa chiêm. Từ thượng du nước trôi về Trung châu ấp ôm đồng ruộng sâu bên người áo nâu dãi dầu. Hò ơi! Gối đầu trên Lào Cai Việt Trì. Em nằm tóc xõa bãi cát dài. Thả hồn mơ tới Thái Bình qua Sơn Tây. Hò ơi! Nhớ ngày qua dân chúng lên đường. Đem thịt xương ngăn giữ nương đồng đem hi sinh thắm tô sông Hồng. Nằm mơ Xuân vinh quang. Trở về cho non sông và ngày nao nơi nơi trút sạch buồn thương. Là ngày em mơ duyên người lập công.
Để tạo sự chú ý của người nghe, Phạm Đình Chương mở đầu với dòng nhạc chậm rãi, vững chãi rất hợp với sự dẫn đạo của tiếng kèn trumpet, như tiếng báo hiệu sự xuất hiện của bậc quân vương thời trung cổ. Ông gọi đây là LỜI BIỂN: Trùng dương Chốn đây ngàn phương Có ba dòng sông Cuốn xuôi biển đông Nhắc câu chờ mong… Về nhạc thuật, trong cả ba phiên khúc Phạm Đình Chương đã dung hợp ý nhạc có âm hưởng dân ca, với nhịp điệu Tây phương. Những điệu hò dùng ở đây đều do sự sáng tạo tinh tế của Phạm Đình Chương, vì ông không dùng âm điệu dân ca nguyên thủy.
Trái lại ở phần đầu của Tiếng Sông Hồng (Chiều nay nước xuôi… người áo nâu giãi dầu), ông đã dùng điệu Hò Dô Ta sáng tạo. Sở dĩ tôi dùng chữ “sáng tạo” ở đây là vì đã có những quan điểm khác nhau về từ ngữ này. GS Trần Văn Khê và Nguyễn Hữu Ba quan niệm định nghĩa dân ca một cách cổ điển, như Willi Apel và Ralph Daniel đều cho rằng: “Dân ca là bài hát cổ, không biết tác giả là ai, được truyền miệng trong giới bình dân qua nhiều thế hệ và trở thành phổ thông khắp nước hay trong một cộng đồng nhỏ hơn”. Đứng về phía Phạm Duy, ông gọi những bài hát có âm hưởng dân ca của ông là “dân ca mới”. Ngoài ra nhạc sĩ Lê Thương cũng tạo một tên mới cho tập “Dao Ca Tạp Khúc” của ông là “dân ca cải biến”. Như vậy rõ ràng điệu Hò Dô Ta của Phạm Đình Chương thoát ly dân ca nguyên thủy từ nhạc điệu đến nhạc thức. Vì lớp trống (Hò Cái) nét nhạc hoàn toàn Tây phương và lớp mái (Hò Con) biến đổi thành một phần đối âm (counterpart) của lớp Trống và cả hai bị chi phối bởi luật hòa âm (harmony) Tây phương.
Phần hai của đoạn Tiếng Sông Hồng dồn nhanh (acceleration), (chậm hơn Foxtrot và nhanh hơn March) và cứ như thế hai lớp Trống Mái không còn ở tư thế đối đáp nữa, cuối cùng lớp mái đã nhập vào lớp Trống để biến thành một hành khúc.
Tiếng Sông Hương
Miền Trung vọng tiếng: Em xinh em bé tên là Hương Giang.
Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than.
Hò ơi! Phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ.
Bến Vân Lâu thuyền vó đơm sầu.
Ơi hò! Ơi hò! Quê hương em nghèo lắm ai ơi!
Mùa Đông thiếu áo Hè thời thiếu ăn.
Trời rằng: Trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi!
Khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An để lan biển khơi ơi hò ơi hò.
Hò ơi! Ai là qua là thôn vắng. Nghe sầu như mùa mưa nặng cùng Em xót dân lều tranh chiếu manh.
Hò ơi! Bao giờ máu xương hết tuôn tràn.
Quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn.
Cho em vang khúc ca nồng nàn.
Ngày vui, tan đao binh. Mẹ bồng con sơ sinh.
Chiều đầu xóm xôn xao đón người trường chinh.
Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên.
Sang đến phiên khúc hai Tiếng Sông Hương, trừ đoạn cuối (Bao giờ máu xương… tiếng cười đoàn viên), có lẽ vì muốn duy trì nét cổ kính của miền cố đô nên Phạm Đình Chương đã khéo léo trở về với nét nhạc ảnh hưởng rất nặng dân ca nguyên thủy. Ở đây, ông đã phỏng theo điệu hò Mái Đẩy miền Trung, nhịp điệu chậm rãi, rất hợp với sự than van kể lể (Hò ơi phiên Đông Ba… để lan biển khơi). Đoạn hai của phiên khúc hai lặp lại đoạn hai của phiên khúc một. Tuy nhiên khó phủ nhận được nghệ thuật dụng âm ngữ tài tình của Phạm Đình Chương ở phiên khúc hai. Những chữ trong đoạn này: Ánh (Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than), Bến (Bến Vân Lâu thuyền vó đơm sầu), Lắm (Quê hương em nghèo lắm ai ơi!), Mỗi (Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm), Vắng (Ai là qua là thôn vắng), tuy là những thanh trắc nhưng đã bị kéo oằn xuống ở một vị trí thấp hơn thành bằng của chữ đi kế trước hoặc tiếp sau (khua, trăng, vân, ai, năm, thôn). Cụ thể, những đoạn này sẽ nghe thành: Đêm đêm khua ẠNH trăng vàng mà than BỆN Vân Lâu thuyền vó đơm sầu Quê hương em nghèo LẶM ai ơi! Trời rằng trời hành cơn lụt MỘI năm Ai là qua là thôn VẶNG Chính vì vậy điệu hò mới nỗi bật địa phương tính qua lối phát âm thổ ngơi miền Trung. Nét đặc trưng này khiến người hát không cần phải là người miền Trung, nếu xướng âm (déchiffrer) đúng cao độ của câu hát cũng có thể tạo thành âm hưởng của tiếng nói miền này.
Hiện tượng nói trên xảy ra là vì tiếng Việt với năm dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng khi mỗi tiếng phát âm ra tự nó đã được xếp ở năm cao độ khác nhau. Chẳng thế, một nhà văn ngoại quốc đã nhận định: “Ngôn ngữ Việt Nam là ngôn ngữ duy nhất trên thế giới có nhiều giọng điệu cung bậc…. Phải nghe người dân mỗi miền, người Bắc, hay Trung, hay Nam hát những dân ca quen thuộc với tiếng nói thuần túy của họ, chúng ta mới thấy ý vị của giọng nói ấy đậm đà chừng nào…”. Nếu phân tích cấu trúc âm thanh của các dấu trong tiếng Việt, thanh nặng được sắp ở vị trí như sau: (Huyền) (Nặng) (Không dấu) Thanh ngã không có cao độ nhất định, khi thì tựa từ Thanh Huyền để uốn lên Thanh ngang (không dấu) (giọng miền Bắc), có khi nhập hẳn vào Thanh sắc (giọng miền Nam), Thanh Hỏi uốn khúc từ trầm lên bổng (Huyền-Sắc), cho nên vị trí nó phải cao hơn Thanh Ngang (không dấu) và thấp hơn Thanh Sắc. Về nội dung của Tiếng Sông Hương, đại diện cho đất miền Trung.
Bài hát được sáng tác trước cuộc chia cắt đất nước, trước thời điểm mà vùng đất miền Trung bên dưới vỹ tuyến 17 trở thành một chiến địa hoang tàn. Tuy vậy, miền Trung cũng đã là một mảnh đất chịu nhiều thiệt thòi với “trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An…” Có lẽ vì vậy mà khi đi tới miền Trung, nét nhạc của Phạm Đình Chương buồn hơn, ai oán hơn 2 phiên khúc khác. Đoạn hai của phiên khúc 2 – Tiếng Sông Hương dồn nhanh hơn đoạn đầu và về ý nhạc tì lặp lại đoạn hai của phiên khúc 1 – Tiếng Sông Hồng. (Ai là qua là thôn vắng… Tiếng cười đoàn viên). Về nội dung, đoạn này mơ về một ngày “tan đao binh” để “quê miền Trung hết điêu tàn…” Ai ngờ rằng tan cuộc chiến này lại đến một cuộc chiến khác khốc liệt hơn, đau thương hơn sau đó.
Tiếng Cửu Long
Nước sông dâng cao cá lội ngù ngờ. Nước xanh xanh bóng in cây dừa. Về về đây miền Đồng Nai có Cửu Long Cuồn chảy dâng trời Nam mạch sống. Một sáng em ra khơi Vĩnh Long vui cười. Và Cần Thơ, Long Xuyên lừng hương cau lúa chín. Đời vươn lên thuyền ghé bến. Sống no nê dân quê một miền. Kìa nắng thương dân đây nắng khô đồng lầy chiều tới Hò lờ, hò lơ… Hò lờ hò, hò lơ… Chẻ tre bện sáo ơ cho dầy Ngăn ngang ơ sông Mỹ có ngày gặp em. Trùng dương! Ba chị em là ba miền nhưng tình thương đem nối liền. Gặp nhau ven trời biển Đông thắm duyên hẹn nhau. Pha hòa sóng lan bốn phương trời vang dội tiếng tranh đấu bao người cho quê hương ấm no muôn đời. Giờ đây bao tâm tư Rộn ràng như câu thơ; Hội Trùng Dương tay tay siết chặt cùng hô Dựng mùa vinh quang hoa đời tự do. Lời quê hương: Hội Trùng Dương.
Vào đến miền Nam, miền đất phù sa màu mỡ, sức đối kháng với thiên nhiên không còn mãnh liệt như miền Trung. Vì thế, Phạm Đình Chương đã dùng những nét nhạc thật khỏe khoắn, cởi mở, sung túc để nói lên đặc tính địa lý nhân văn của miền nàỵ. Trong cả phiên khúc 3 – Sông Cửu Long, ông chỉ xen lẫn hai câu hò theo điệu ru con miền Nam: Chẻ tre bện sáo cho dày Ngăn ai sông Mỹ có ngày gặp em. Điệu ru này thuộc ngũ cung hơi Nam giọng oán tựa như điệu ru con ở Quảng Nam miền Trung. Do Mi Fa Sol La. Tương tự như Phạm Đình Chương trong trường ca “Con Đường Cái Quan”, Phạm Duy cũng biến cải điệu Hò Ru Con miền Nam thành bốn câu đầu của đoản khúc số 18 để đưa người lữ khách ghé thăm miền Nam nước Việt. Sông Cửu Long Như thế, điệu Hò Ru Con miền Nam đã đóng vai trò rất quan trọng trong dân ca miền Nam. Phạm Đình Chương đã nhận chân được điều ấy, khiến ông thành công trong tiến trình nêu lên địa phương tính đặc trưng cho miền Nam. Chỉ với hai câu Hò Ru đó thôi cũng đã làm nổi bật ý nhạc dân tộc giữa những cung điện Tây phương khỏe khoắn tươi sáng (Nước sông dâng cao… nắng khô đồng lầy).
Đoạn cuối của phiên khúc 3 – Tiếng Cửu Long một lần nữa lại lập lại tứ nhạc của đoạn cuối của phiên khúc 1 – Tiếng Sông Hồng và phiên khúc 2 – Tiếng Sông Hương. Đó cũng là lúc Ba Giòng Sông cùng lên tiếng:
Trùng dương! Ba chị em là ba miền nhưng tình thương đem nối liền.
Gặp nhau ven trời biển Đông thắm duyên hẹn nhau.
Tác giả nhân cách hoá 3 dòng sống Bắc Trung Nam là “3 chị em” ở 3 miền, hẹn cùng gặp nhau ở vùng biển Đông của Tổ Quốc. Bài hát ca tụng về một Việt Nam trọn vẹn, thống nhất, trước khi đất nước bị chia đôi sau đó không lâu. Đoạn kết là lời ca mạnh mẽ, hào hùng:
Hội Trùng Dương tay tay xiết chặt cùng hô
Dựng mùa Vinh Quang, Hoa đời Tự Do
Nét đặc trưng dân ca mới chỉ là một trong những cá tính âm nhạc Phạm Đình Chương. Với cảm nhận bén nhạy, ông là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của miền Nam Việt Nam đã mang những nét tân kỳ của nhạc phổ thông Tây phương vào hồn thơ Quang Dũng, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Ngọc Ẩn… Thi ca tự nó đã có nhạc tính khi ngâm hay đọc lên. Tuy nhiên sự kỳ diệu của âm nhạc Phạm Đình Chương như đôi cánh vạm vỡ nâng hồn thơ lên cao hơn và bay xa hơn.
Phạm Văn Kỳ Thanh (Tạp chí Nhân Văn số 29 tháng 9 năm 1984)