Đôi Mắt Người Sơn Tây – Tác Giả trình bày
“Trong phần viết này, tôi đã chọn tấm hình NS PDC trên sân khấu của phòng trà Đêm Màu Hồng vào những thập niên 60 tại Sàigòn. Lúc đó phòng trà Đêm Màu Hồng do ông sáng lập và điều hành, đã trở nên một nơi hội tụ các văn nghệ sĩ hàng đầu của Sàigòn lúc bấy giờ. Quan khách ngoài giới này ra đều là những vị khách lịch lãm đã yêu mến ban hợp ca Thăng Long, tiếng hát của Thái Thanh, Hoài Trung và Hoài Bắc (tức là PDC). Chúng ta hãy coi tấm hình để mường tượng cảnh một đêm vào năm 1969, ông đã đứng ra sân khấu, ly rượu cognac trong tay, hướng về các thân hữu phía dưới và giới thiệu ca khúc Đôi Mắt Người Sơn Tây vừa được ông viết xong hôm đó. Và sau đêm đó, qua phần trình bày của tiếng hát Thái Thanh thì ca khúc được thâu vào băng nhạc. Giới yêu nhạc PDC từ đó yêu thích bài này và DMNST đã đương nhiên trở thành một ca khúc “signature song” của PDC.
Đã có nhiều bài viết về tài phổ thơ vào nhạc của NS PDC, trong đó các sáng tác của ông dược nhắc tới như những ca khúc thơ phổ nhạc thành công nhất – ngoài ca khúc Mộng Dưới Hoa (phổ thơ Đinh Hùng) thì không thể không nhắc tới ca khúc bất hủ Đôi Mắt Người Sơn Tây (phổ từ hai bài thơ Đôi Bờ và Đôi Mắt Người Sơn Tây của thi sĩ Quang Dũng).
Trong cuốn sách nhạc mà tôi thực hiện lúc hai cha con vừa được đoàn tụ lại sau 1979 tại Cali thì ông có viết một lời ghi chú ngắn như sau: ” “Nhớ quê ngoại, những năm kháng chiến chống Pháp, nhớ Quang Dũng. Ca khúc được viết năm 1969 tại căn gác nhỏ đường Ngô Tùng Châu, Sàigòn.”
Vào năm 1979, ông vượt biên được bằng đường biển và sang tỵ nạn tại Cali (tức là khoảng chừng 15 năm sau). Trong một buổi trưa tại căn nhà trên đường 22nd, Westminster, ông có nói về ca khúc này với tôi vỏn vẹn với một câu thật ngắn nhưng hàm súc tất cả tinh thần của bài hát cũng như ý nhạc của ông. “…Hát bài này phải được hát với một nỗi buồn “sắc máu”. Tôi muốn ghi lại lời nói đó tại đây để gửi gấm tại với những ai muốn và sẽ hát lên ca khúc này, nhất là những ca sĩ chuyên nghiệp hâu sinh. Hay hay dở là ở chỗ có nói lên được “nỗi buồn man mác nhưng đầy tính chất “sắc máu” của thời điểm lúc bài thơ được thi sĩ Quang Dũng viết nên.
Một điểm quan trong khác là ca khúc DMNST được tác giả viết với đoạn cuối gồm 4 câu thơ “…Bao giờ ta gặp em lần nữa, ngày ấy thanh bình chắc nở hoa, đã hết sắc mùa chinh chiến cũ, còn có bao giờ em nhớ ta..” Bốn câu thơ này gói ghém tất cả tâm sự của thi sĩ và nhạc sĩ là một phần của sáng tác. NS PDC thêm 4 câu thơ mà ông muốn đọc lên trước khi hát câu chấm dứt. (coi video Quỳnh Giao bình luận dưới đây)
Trong các phần thâu thanh từ trước tới nay, lần nào người thực hiện cũng đều bỏ hẳn 4 câu thơ đó và đi luôn xuống câu kết là “… Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi mắt người Sơn Tây, buồn viễn xứ khôn khuây….(ngân và hết). Có thể ai cũng cho là 4 câu thơ đọc lên đó quá khó, hay có tính cách bắt chước cách lối tác giả trình bày v.v.. Tuy nhiên theo thiển ý của tôi thì bỏ qua 4 câu thơ này là một việc thiếu trang trọng với chính tác giả và tự bỏ hẳn đi cho mình cái đoạn mà tôi gọi là “trượng phu…lẫm liệt và hay nhất” của bài thơ phổ nhạc thần tình này.
Tôi vui mừng có được một mẫu Youtube video về ca khúc này do chính tác giả trình bày trong một buổi ra mắt tập sách vào năm 1982 tại quận Cam. Nếu chúng ta coi thì sẽ thấm hiểu được câu nói này của ông. Điều đáng kể thêm là tiếng hát của ông thì rất ít người biết tới. Tiếng hát, vì khả năng và tài nhạc của chính mình, đã được ông dùng cho các phần hát bè của ban hợp ca Thăng Long thủa ấy. Do đó ít khi ông hát đơn ca và rất đặc biệt của ông đã không được biết đến là vậy. Khi còn sinh tiền, nhà văn Mai Thảo có viết về tiếng hát của Hoài Bắc Phạm Đình Chương mà ông gọi là giọng hát nam hay nhất. (quote)
Theo tôi, tiếng hát của nhạc sĩ Phạm Đình Chương – nghệ danh là Hoài Bắc trong ban hợp ca Thăng Long – là một giọng hát nam hiếm quý. Giọng hát Tenor của tác giả không trầm ấm nhưng phải công nhận là súc tích đầy tâm sự, chứa chan tình cảm qua từng chữ từng câu ông hát lên, từn câu ngâm, tiếng hát.
Trong đầu thập niên 80, cha con chúng tôi có thực hiện cuốn băng nhạc đầu tiên – cũng mang tựa đề là “Đôi Mắt Người Sơn Tây” (Mộng Dưới Hoa Productions – 1980) và trong đó ông có thâu thanh ca khúc ông rất yêu này.
Sau hơn bốn mươi năm sau khi ông qua đời, tôi đã có cái may mắn thực hiện được bộ đĩa PDC-Tình Khúc Tiêu Biểu và ca khúc này đã được hoàn chỉnh lại về phần nhạc nền và tiêu chuẩn audio tuyệt vời của những năm 2012. Nay ca khúc này đã trở thành một ca khúc để đời duy nhất do chính tác giả trình bày đơn ca . Khi quý vị vào trang phamdinhchuong.com thì câu hát đầu tiên được trổi lên tại trang nhà là bài DMNST trong đĩa nhạc Vol 4 – nhan đề Đêm, nhớ trăng Sàigòn- 2013, trong đó DMNST là một trong 13 ca khúc thơ phổ nhạc mang tên PDC do con trai ông thực hiện.
P.T.
Lời giới thiệu của Phạm Thành:
“Trong số những ca nhạc sĩ quen biết đã rất lâu với nhạc sĩ PDC và gia đình chúng tôi thì có hai vợ chồng ca nhạc sĩ Minh Trang và Dương Thiệu Tước. Trong giới ca nhạc sĩ của Viêt Nam trong thời kỳ phôi thai của thập niên 50 lúc đó là như vậy. Họ quen nhau cả và thường hay gặp gỡ nhau thường xuyên trên đài phát thanh Sàigòn. Nữ ca sĩ Minh Trang có một người con gái lớn là chị Quỳnh Giao. Lúc còn trẻ, chị được huấn luyện tại trường Quốc Gia Âm Nhạc (Sàigòn) về Piano, nên phải kể là có chuyên môn về ngành nhạc.
Sau 1979. khi NH PDC sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ thì cô được ông kêu về cộng tác trong những chương trình lưu diễn “Phạm Đình Chương, bốn mươi năm âm nhạc” khắp nơi. Trong những chương trình này thì cô thường hay hát đơn ca, tam ca hay hợp ca với Mai Hương và Kim Tước, hay cùng tất cả trình bày những ca khúc hợp ca như Hội Trùng Dương trong các tiết mục cuối chương trình.
Trong cuối thập niên 1990 trở đi thì chị trở lại việc dạy Piano và ngoài ra, còn viết các bài bình luận về Văn Học Nghệ Thuật Việt cho các tờ báo và chương trình truyền hình của Người Việt. Chị có một buổi thâu hình trong chương trình “Câu Chuyện Văn Nghệ Với Quỳnh Giao” do Nam Phương phỏng vấn trên Người-Việt TV nói về nhạc sĩ Phạm đình Chương và tác phẩm tiêu biểu của ông phổ từ thơ Quang Dũng, đó là ca khúc danh tiếng “Đôi Mắt Người Sơn Tây”.
Tôi muốn giới thiệu cùng quý đọc giả video clip này. Rấy hay, sâu sắc với những nhận định đặc biệt của một nhạc sĩ có trình độ thẩm âm cao. Hy vọng quý vị sẽ cho là ” hay”. P.T.